CÂY SALA, CÂY QUÝ NƠI CỬA PHẬT
Trong khuôn viên chùa Phổ Quang (Tân Bình, TP HCM), có một cây sala cổ thụ vốn nguồn gốc từ Ấn Độ đưa về, hoa xum xuê. Tương truyền nhặt được hoa rụng là lộc trời nên hàng trăm người lễ chùa rằm tháng Giêng xong ra đứng chờ ở gốc cây nhặt hoa rụng.
Người lễ Phật viếng chùa Phổ Quang ngày Rằm tháng Giêng tấp nập như trẩy hội. Khách hành hương từ khắp nơi nô nức chen chân để tới lượt mình được cúng lễ. Có những phụ nữ quỳ hàng giờ trước chánh điện Phật, miệng lẩm bẩm cầu xin, trong một số khác cố nhoài người chạm tay vào áo Bồ Tát rồi xoa lên đầu các con để “xin Phật bà phù hộ cho con học giỏi”.
Đặc biệt trong khuôn viên của chùa này có một cây sala được mang từ Ấn Độ về. Vào mùa này cây nở hoa và ra trái. Người dân địa phương kể rằng cây này rất linh thiêng, chỉ cần nhặt được hoa của nó rụng xuống thì sẽ “cầu gì được nấy“. Vì thế hôm nay có người đứng cầu nguyện cả hai tiếng đồng hồ để chờ hoa rụng mà chưa được. Mặc dù hoa sala xum xuê phủ đến tận gốc nhưng không ai đưa tay hái, bởi mọi người đều ý thức rằng “hoa là lộc, rơi xuống mới linh”.
Bên dưới gốc cây, nhiều bạn trẻ và sinh viên đang theo học tại TP HCM cũng háo hức cầu nguyện cho bản thân được bình an, việc học hành tốt đẹp, đồng thời hướng tấm lòng về đấng sinh thành nơi quê nhà, cầu cho cha mẹ luôn mạnh khỏe.
Khánh Nguyệt, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế TP HCM (quê ở Thừa Thiên Huế) bộc bạch: “Năm nào em cũng lên chùa, đi học xa nhà, xa cha mẹ,em cầu mong cho ba mẹ ở nhà luôn được mạnh khỏe, em trai luôn học hành tấn tới. Còn phần mình mình, em cầu mong một năm học tập thật tốt và mọi việc được suôn sẻ”. Năm nào Nguyệt cũng chờ mãi cho đến khi nhặt được một cánh hoa sala rụng mới trở về nhà. “Chắc nhờ thế mà cả nhà nhiều năm qua bình yên”, cô gái trẻ bẽn lẽn.
Càng đến trưa ngày rằm, không khí càng nóng nực oi bức, song vẫn không ngăn dược dòng người đông nghịt đổ về phủ kín khu vực hành lễ. Những dịch vụ “ăn theo” như bán chim phóng sanh, sách tử vi, bói toán, lễ vật, nhang đèn… cũng rầm rộ. Trong khi khu vực quanh cây sala rất yên lành thì trước cổng chùa nhốn nháo mua bán, ngã giá làm mất sự trang nghiêm chốn thờ tự. Thậm chí nhiều người còn cẩn thận mang cả lồng lên chùa mua hàng chục con chim sẻ để thực hiện nghi lễ phóng sinh.
Đi cùng một nhóm bạn đến chùa Phổ Quang và khó khăn lắm mới chen chân qua đám đông ngột ngạt, Hoa (quê Ninh Thuận, sinh viên trường Cao đẳng Bách Việt) kể: “Tranh thủ sau giờ học, nguyên nhóm em rủ nhau lên chùa thắp hương đầu năm. Chúng em sẽ dành buổi chiều và tối nay để các chùa khác trong thành phố nữa. Đầu năm chúng em đi khấn nguyện những điều may mắn nhất”.
Một mình đi lễ chùa, chị Thanh (nhân viên kinh doanh, quê ở Đăk Lăk) tâm sự, chị thành tâm cầu khấn cho năm mới được bình an và công việc luôn thuận buồm xuôi gió. “Nhìn cảnh mọi người nô nức du xuân, lễ chùa mình cũng thấy lòng ấm áp và thật bình yên”, chị nói.
Dân gian có câu “lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Tết Nguyên Tiêu được xem là ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Hầu hết chùa chiền ở Sài Gòn cũng được trang trí cờ hoa rực rỡ và được chuẩn bị thật chu đáo để đón khách hành hương, phật tử lên lễ chùa. Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, chị Mai (quận 3, TP HCM) cho biết, sau khi xếp công việc gia đình, chị cùng con gái đi lễ Phật. Chị dạy con gái thành tâm cầu xin cho gia đạo được bình an, ông bà khỏe mạnh để sống vui cùng con cháu.
Dắt tay đứa cháu nội 8 tuổi đến trước cửa chùa Ấn Quang (quận 10, TP HCM), bà Võ Thị Thanh (78 tuổi) cho biết, từ nhỏ bà đã được giáo dục thói quen ăn chạy niệm Phật và viếng chùa để cầu an cho mọi người trong gia đình. Từ đó bà cũng dạy con cháu cố gắng giữ nét đẹp truyền thống này.
“Cuộc sống vất vả nhưng mỗi lần ăn chay niệm Phật tôi thấy tâm hồn thư thái bình an lắm. Tôi luôn dạy các con cháu mình phải sống đàng hoàng, không lường gạt ai, quan trọng là phải giữ đạo ngay trong tâm mình”, bà cụ mái tóc bạc phơ cười hiền nói sau khi dâng hương bái Phật.
Nói về truyền thống dâng hương lễ Phật ngày Rằm tháng Giêng, một vị sư tại chùa Việt Nam quốc tự (quận 10) cho biết, đây là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền dân tộc từ nghìn đời. “Là một dấu hiệu tốt khi mà người dân ngày càng quan tâm đến giá trị tinh thần, nhớ đến nguồn cội và ông bà tổ tiên trong những ngày đầu năm mới”, vị sư nhìn nhận.
Tuy nhiên vị sư cũng khuyên khách hành hương khi đến viếng chùa cần ý thức giữ gìn sự trang nghiêm nơi cửa Phật, không nên chen lấn xô đẩy để kẻ gian lợi dụng móc túi, cướp giật.
One comment
Pingback: Nhặt Hoa cây Sala linh thiêng xin lộc trời ban | Cây Xanh Sài Gòn